Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Những mẹo bảo quản rau củ quả cần biết

1. Dưa leo
Dưa leo
Chúng ta không nên để dưa trong tủ lạnh hoặc để gần chuối và cà chua, hãy để dưa leo ở nơi thoáng mát, khô ráo trong nhà.
2. Bơ
Bơ
Bơ là loại quả vô cùng giàu dinh dưỡng nhưng ngược lại với dưa leo chúng ta nên để bơ ở trong tủ lạnh. Muốn bơ mau chín hơn thì chúng ta nên để bơ ở trong túi giấy bạn nhé!
3. Hành tây
Hành tây
Hành tây là loại củ có mùi. Chúng ta không nên để hành tây chung với các loại rau củ quả khác.
4. Ngò (rau mùi )
rau mùi
Muốn giữ ngò (rau mùi) tươi lâu chúng ta hãy cắm ngò vào ly nước nhỏ.
5. Nấm
Nấm
Để bảo quản nấm chúng ta hãy bọc nấm vào khăn ấm hoặc đục lỗ ngỏ túi giấy và cho nấm vào trong
6. Khoai tây
Khoai tây
Hãy bảo quản khoai tây ở nơi tối hoặc bọc trong túi ni lông đen và cất ở nơi có nhiệt độ thấp như tủ lạnh.
7. Cà rốt
Cà rốt
Để bảo đảm những củ cà rốt luôn được tươi mới chúng ta hãy bọc cà rốt bằng những tờ báo chúng ta không đọc nữa và cất vào tủ lạnh. Cà rốt sẽ luôn tươi ngon.
8. Táo
Táo
Táo là hoa quả tốt cho sức khoẻ những quả táo dập chúng ta nên bỏ đi và không để chung với các quả táo lành khác đẻ tránh vết dập không bị lây sang các quả lành.
9. Các loại hoa quả khác
 Các loại hoa quả khác
Hãy để vỏ chuối bên cạnh các loại quả còn xanh, chưa ăn được để các loại quả ấy mau chín hơn. 
Trên đây là 9 mẹo bảo quản rau củ quả đơn giản, hy vọng đây sẽ là kiến thức bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn luôn có những bữa ăn ngon miệng với các loại rau củ quả tươi xanh!

Những quán bún chả nghe tên là thèm ở Hà Nội

Bún chả Hàng Quạt
Hỏi những người sành ăn địa chỉ ăn bún chả ngon ở Hà Nội, trong hàng trăm quán bún chả của thủ đô, tỉ lệ "phần trăm" bạn được chỉ đến Hàng Quạt là rất cao. Dù khá chật chột do nằm trong con ngõ siêu nhỏ trên phố Hàng Quạt, nhưng với 19 năm tuổi đời, quán có lượng khách quen đông đảo cũng như đã tạo nên hương vị rất đặc trưng khiến người ta chỉ ăn một lần là nhớ mãi.
Chuyên mục : Du lịch ẩm thực
Bún chả Hàng Quạt
Quán nằm trong ngõ rất nhỏ
Như mọi hàng bún chả, chả ở đây có chả miếng và chả băm trong đó chả miếng được nhiều người khen ngợi bởi miếng thịt thái mỏng ướp và nướng kỹ nên không bị ngấy. Bát chả mang ra, đầu tiên người ta có thể hơi giật mình vì chả có phần sậm màu, nhưng khi ăn mới biết màu đó là do ướp nước hàng chứ không phải bị cháy. Miếng chả được tẩm ướp kĩ khi ăn cùng nước chấm đậm đà thực sự gây ấn tượng bởi sự mềm, thơm, mặn mòi vừa đủ độ.
Bún chả Hàng Quạt 1
Suất bún chả Hàng Quạt giá rất bình dân, chỉ từ 30 ngàn đồng/suất mà thịt hào phóng đến độ nếu ăn yếu, có thể bạn còn chẳng ăn hết. Thêm vào đó, cô chủ quán cũng rất niềm nở, dễ thương, hay ưu tiên phục vụ nhanh cho những người chụp ảnh. Quán bắt đầu bán từ khoảng 9giờ 30, 10 giờ sáng và đến 2 giờ là hết hàng nên nếu muốn thưởng thức ở đây, bạn nên đến sớm nhé.
Bún chả Hàng Than
Bún chả Tuyết ở dốc Hàng Than là một địa chỉ khiến nhiều người phải gật gù công nhận về độ ngon và phong độ ổn định. Cũng vẫn là chả, bún, rau ăn kèm nhưng nhìn đồ ăn của quán, người ta dễ có cảm tình bởi đồ ăn bưng ra nhìn rất "ra tấm, ra món", đặc biệt rau sống được đựng trong khay inox đầy đặn, nhìn ngon mắt, sạch sẽ.
Bún chả Hàng Than
Hàng bún chả nằm ở dốc Hàng Than được lòng rất nhiều tín đồ bún chả Hà thành
Bún chả Hàng Than 1
Suất bún chả đầy đặn, chả nhiều
Dù nằm trong phố "Hàng" nhưng suất bún chả ở đây có giá khá bình dân, chỉ 35.000 đồng. Tuy nhỉnh hơn 1 số quán bình dân khác một chút nhưng bù lại, bát chả ở đây rất đầy đặn, chất lượng. Bát chả chỉ là chiếc tô cỡ nhỏ nhưng đầy ắp thịt với khoảng 4 - 5 miếng chả băm và khoảng mươi miếng chả nướng, đủ để cho khách ăn cảm thấy đã miệng, chứ không phải thòm thèm.
Đặc biệt cả 2 loại chả đều được nướng vừa tầm nên hơi xém nhẹ, thơm lừng, khi ăn mềm chứ không bị cháy, khô, đắng. Chả viên của quán được bọc xương sông nên ăn thơm và có mùi vị đặc biệt hơn hẳn. Chả nóng, nướng khéo kết hợp với nước chấm có độ chua, mặn, ngọt vừa miệng ăn lại càng "bắt miệng". Quán bán từ khoảng 10 giờ đến 4 giờ chiều hàng ngày và đặc biệt đông vào buổi trưa, bởi vậy nếu đến ăn tầm này, chỗ ngồi có thể sẽ hơi chật chội. Ngoài bún chả, quán còn có nem rán với giá 8.000 đồng/chiếc, tuy nhiên nem thường hết khá sớm.
Bún chả que tre Lạc Long Quân
Với tuổi nghề tính bằng con số hàng chục năm, bún chả que tre Lạc Long Quân đã trở thành thương hiệu bún chả vững mạnh trong lòng người yêu ẩm thực Hà Nội. Nằm sâu trong ngõ 81 Lạc Long Quân, nhưng chỉ cần đi từ xa, ta đã thấy một làn khói trắng toả ra từ bếp than hoa đỏ rực và mùi thơm nức mũi của chả nướng.
Bún chả que tre Lạc Long Quân
Lúc nào cũng có khói thịt nướng thơm lừng là đặc điểm nhận dạng của quán bún chả này
Chả nướng ở đây được tẩm ướp theo bí quyết riêng rồi kẹp vào que tre nướng khéo nên ăn rất thơm, mềm không ngấy. Nước chấm cũng đóng vai trò quan trọng trọng việc tạo nên mùi vị đặc trưng của mỗi món ăn. Thứ nước chấm ấm nóng khi kết hợp với chả thịt nướng tạo nên một mùi vị thật tuyệt vời, đặc biệt không hề lẫn với các hàng bún chả khác ở đất Hà Thành này.
Bún chả que tre Lạc Long Quân 2

Bún chả que tre Lạc Long Quân 1
Bún chả Lạc Long Quân với thịt nướng mềm, nước chấm lúc nào cũng ấm

Bún chả que tre Lạc Long Quân 2
Ngoài chả, quán có có thêm nem rán
Bún chả ở đây ngon đến nỗi có thể khiến thực khách im lặng từ đầu đến cuối để tập trung vào việc ăn uống. Giá bún chả ở đây từ 30 ngàn đồng/ suất trở lên.
Bún chả que tre Bạch Mai
Bún chả que tre Bạch Mai vừa nức tiếng là quán bún chả ngon, vừa nức tiếng bởi sự bán "dở dang" và biết thử thách lòng kiên nhẫn của khách hàng. Quán bắt đầu bán hàng lúc 2 giờ chiều - khi ngay cả những người ăn trưa muộn cũng đã kịp ấm bụng và hết nhẵn vào khoảng 3 rưỡi, khi người ta chỉ vừa mới bắt đầu nghĩ đến quà chiều. Dở dang và dễ bị hụt ăn do hết quá nhanh, nhưng nhiều người vẫn nhẫn nại quay lại nhiều lần để nếm bằng bún chả ở đây. Và quả thực, bún chả Bạch Mai không khiến người ta thất vọng.
Bún chả que tre Bạch Mai
Suất bún được dọn ra với bát nước chấm và bát chả để riêng. Nước chấm không quá đặc biệt nhưng chả thơm ngon hơn hẳn các chỗ khác. Miếng chả không những thơm mà còn dẻo, thế nên có kẹp bằng que tre cũng không bị vỡ. Cho nhanh những miếng chả ướp vừa miệng còn đang nóng hổi vào bát nước chấm rồi ăn mới thấy hết được sự đặc sắc của bún chả ở đây với vị béo, thơm của thịt nướng.
Bún chả que tre Bạch Mai 1
Suất bún chả que tre có hương vị thơm ngon độc nhất vô nhị ở Hà Nội
Có lẽ vì ngon như thế nên mặc dù còn nhiều nỗi "trái ngang" về nơi bán, chỗ ngồi, và giá bún không rẻ từ 40 đến 50 nghìn/suất nhưng quán vẫn rất đông và nếu không đến ăn nhanh là xác định hết phần. Một mẹo nhỏ là nếu định đến ăn ở hàng này, bạn nên đến trong khoảng 2 giờ, 2 rưỡi. Nếu 3 giờ bạn đến thì sẽ khá "hên xui", một là quán đã hết, hai là phải đợi 2-3 lượt khách.

Hà Nội thiên đường ẩm thực trong tôi

Nếu đã có lần bạn ghé qua các con phố Hà Nội chắc hẳn sẽ không thể quên mảnh đất nơi đây. Đặc biệt, những món ăn ngon nơi đây luôn thu hút được ánh nhìn của thực khách, đôi khi ta bắt gặp những quán ăn nhỏ lẻ lụp sụp nhưng lại chứa lượng khách cực kỳ đông, đôi khi lại là những nhà hàng lớn sang trọng có lẽ chỉ nhìn vào đó thôi cũng đã có thể cảm nhận được sự cao sang của nó và những vị khách bên trong đó.
Tôi đã từng dừng chân tại mảnh đất Hà Thành một thời gian khá dài nhưng nếu nói để hiểu và cảm nhận hết nơi này thì thật khó, thi thoảng được bạn bè dắt đi ăn tại nhiều hàng quán khác nhau từ sang trọng tới dân dã nhưng tôi đều có chung một nhận định rằng Hà Nội là nơi có nền văn hóa ẩm thực đa dạng nhất trong tất cả những nơi tôi đã đi qua.
Phở Hà Nội
Ngoài những đặc sản nổi danh của vùng đất này như bánh cuốnphởcốm làng vòng..Hà Nội còn là nơi tụ họp lại của nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau, bạn muốn ăn đặc sản Huế như cơm hến, chè huế… không vấn đề gì, nếu bạn đang ở Hà Nội sẽ không khó để bạn có thể thưởng thức món ăn đặc sản ấy.
Cơm hến
Bản thân tôi là người yêu thích những chuyến đi, tôi đã từng qua rất nhiều vùng đất trên đất nước hình chữ S này, mỗi một vùng đất lại để lại cho tôi một niềm thích thú và hoài niệm khác nhau và Hà Nội là nơi khiến tôi ấn tượng, có lẽ khi người ta nói Hà Nội là thiên đường ẩm thực đường phố thật sự không sai, trên đường phố bạn có thể dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong với đủ loại đồ ăn thức uống khác nhau đa dạng lắm. Bản thân nó đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân cả nước cũng như du khách trên thế giới chính bởi nét đẹp đường phố riêng biệt mà chỉ người Việt Nam mới có đó chính là những gánh hàng rong đường lồng ghép vào đôi quang gánh rong ruổi khắp các đường phố rao bán những món ăn truyền thống dân dã với giá cả rẻ bất ngờ như bún, chè các loại , xôi…. Những gánh hàng rong ấy qua từng tiếng rao bán như những tiếng gọi cái hồn quê trở về nơi thành thị phồn hoa. Ngoài những gánh hàng như thế chúng ta cũng không thể phủ nhận và bỏ qua những gian hàng cố định bình dân nhưng chế biến những loại thức ăn khiến thực khách nao lòng vì hương vị vủa nó. Có thể nói một nét đẹp không thể bỏ qua của Hà Nội chính là ở hình ảnh những người gánh hàng rong khắp các con phố lớn nhỏ trên đất Hà Thành. Những xe đẩybán xôi, bánh mỳ kẹp thịt, bánh bao… ngày càng mọc ra nhiều hơn càng làm cho nền ẩm thực Hà Nội thêm muôn vàn sắc thái khác nhau, tạo nên bức tranh ẩm thực đa dạng phong phú mang hồn quê về với đất thành đô.

Gánh hàng rong Hà Nội
Chỉ nói thôi chắc chưa đủ để bạn cảm nhận được về Hà Nội nếu bạn chưa đặt chân tới nơi đây, bạn có thể xách balo lên và ngao du như tôi, bạn sẽ có thể trải nghiệm nhiều điều mà khi ta ở một chỗ không thể cảm nhận hết được. Hà Nội thủ đô của cả nước nơi được cả nước hướng về đã xứng danh với hai từ “thủ đô”.
Nơi đây luôn là nơi có nhiều điều cho chúng ta khám phá và trải nghiệm, riêng nền ẩm thực đa dạng nơi đây cũng đủ khiến bạn tìm hiểu trong một thời gian dài. Dù bạn giàu hay nghèo thì tới đây bạn cũng không lo không có chỗ ăn phù hợp với túi tiền của mình, nếu bạn ít tiền thôi thì bạ có thể ghé qua những quán ăn nhỏ ven đường, đừng quên nhé không nên nhìn vẻ ngoài của những quán ăn nhỏ này mà phán xét chất lượng món ăn bởi bạn sẽ phải nhận định lại bởi đồ ăn những chỗ này cũng vô cùng ngon mà giá rẻ phù hợp với tất cả các đối tượng khác nhau.
Tôi từng ghé qua một quán bánh rán ở đây nhưng quán đông lắm và có một quy định khá đặc biệt là bạn cần “xếp số” khi tới ăn, bởi quán rất rất đông…
Bánh rán Lạc Long Quân
Bạn hãy tự mình trải nghiệm nơi đây sẽ thấy điều thú vị tôi nhắc tới, gấp lại tất cả và trải nghiệm nét đẹp cuộc sống đi nhé!

Bí quyết của các đầu bếp khi trộn xốt chay cho salad mà vẫn có vị béo bùi như phô mai là dùng sữa chua thay thế đối với các món salad rau củ kiểu Nga, rau trộn kiểu Pháp…

Hôm nay các bạn hãy cùng trổ tài với món "cocktail tôm chay kiểu Ý" nhé!
chuyên mục: món ngon châu âu 
Món cocktail tôm chay kiểu Ý
Nguyên liệu:
- Tôm chay: 20gr
- Bắp cải tím: 20gr
- Cà rốt: 20gr
- Ớt xanh: 20gr
- Sữa chua: 1 hũ.
- Cà chua: 20gr, rau xà lách: 20gr, hành tây: 1 củ, 2 quả chanh dây để trang trí.
- Giấm tây: 1 thìa canh, một ít rau thơm và muối tiêu.
Cách làm:
- Tôm chay chần sơ qua nước sôi 5 phút, để ráo nước. Rau xà lách rửa sạch, cắt khúc 3cm. Rau thơm làm sạch, cắt khúc. Hành tây lột vỏ: 1/2 củ thái chỉ, 1/2  củ băm nhuyễn. Cà chua bỏ hạt thái chỉ, bắp cải tím, cà rốt và ớt xanh thái mỏng. Chanh dây cắt ngang miệng, tỉa hình răng cưa để trang trí.
- Làm xốt: hành tây băm nhuyễn, trộn chung với sữa chua và dấm tây, nêm chút muối tiêu cho vừa ăn.
- Cho các nguyên liệu rau củ vào trong trái chanh dây, xếp tôm lên trên. Rưới nước xốt sữa chua, hành tây băm vào. Có thể ăn kèm bánh mì bơ tỏi hoặc dùng như món khai vị thông thường tại các bữa tiệc

Thưởng thức hương vị Hà Tĩnh trong món bún thịt nướng

Nếu có dịp qua thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, du khách có thể tấp qua bất cứ cửa hàng nào hai bên đường để thưởng thức bún thịt nướng. Với một món ăn không mới, nhưng người dân địa phương đã biến tấu thêm phần đậm đà hương vị của đồng quê.
Chuyên mục: món ngon việt nam 
Một phần ăn cơ bản bao gồm bún trắng, thịt nướng và nước tương, rau sống. Khi ăn, thực khách trộn bún lẫn với nước tương và ăn kèm thịt. Các vị không bị lấn át nhau, khiến người ăn có thể phân biệt rõ từng thành phần trong món ăn. 
Bún thịt nướng Hà Tĩnh
Suất bún thịt nướng đầy đặn dành cho ba người ăn
Thịt nướng dùng cho món bún không được nạc cũng như mỡ quá, thường là thịt nạc vai. Trước khi nướng khoảng vài tiếng sẽ được ướp sả, hành, một chút nước chanh cho thịt ngấm đều. Đặc biệt là chủ quán chỉ nướng thịt khi thực khách đến khi ăn, do vậy thịt còn mềm và vẫn giữ được vị béo ngậy, không bị khô và dai.
Tuy nhiên, điều làm nên nét tinh tế của món ăn không chỉ là sự giản lược nguyên liệu mà còn vì nước tương. Dân địa phương gọi loại gia vị này là chẹo - chế biến từ nước tương, trộn với lạc rang giã nhỏ, thêm ớt tỏi đường. Nước chấm quánh, sánh quện và không đặc, khi ăn mùi của chẹo làm đậm đà thêm vị thịt và nét thanh mát của bún.
Đặc trưng của các món ăn miền trung là tính cay nóng nên ớt trong nước tương sẽ làm dậy mùi thêm cho bún thịt nướng. Nếu thực khách không quen với vị cay đậm đà, có thể thay bằng một bát nước chấm dịu nhẹ với dưa góp là cà rốt và đu đủ.
Bún thịt nướng ở Hà Tĩnh có bán cả ngày nên khách có thể thoải mái lựa chọn thời điểm đi ăn. Suất một người ăn có giá khoảng 30.000 đồng. Những phố ở thị xã Hồng Lĩnh có nhiều quán bún thịt nướng để du khách lựa chọn là Trần Phú, Phan Anh, Nguyễn Ái Quốc...

Phải lòng bánh cóng miền Tây

Rất nhiều món bánh dân dã của miền Tây thường hội tụ đầy đủ sản vật của vùng sông nước như hạt gạo, tôm cá, rau trái… Nhưng tôi yêu bánh cóng nhất. Từ cách kết hợp nguyên liệu, chế biến, cách thưởng thức đều rất thú vị.
Chuyên mục : ẩm thực miền nam
bánh cóng miền Tây
Có lẽ cũng cần nói qua về tên gọi ngộ nghĩnh này: bắt nguồn từ dụng cụ đổ bánh. Tên gọi không mỹ miều, lấy luôn tên cái cóng cho tiện, hồn hậu như tính cách người miền Tây. Chính xác là bánh cóng chứ không phải “bánh cống” như nhiều người vẫn gọi.
Thành phần cơ bản là bột gạo nhưng cách pha bột phải trải qua nhiều công đoạn, chiếc bánh ngon hay không là nhờ khâu này, đòi hỏi người làm bánh phải giàu kinh nghiệm.  Thêm đậu xanh và gia vị vào bột. Đậu xanh chỉ hấp cho chín tới, vừa nứt vỏ chứ không chín nhừ, sao cho khi bánh chín vẫn còn vị bùi bùi thơm thơm. Có nơi thêm khoai môn, nơi thêm củ sắn hoặc thịt heo bằm, trứng gà. Bột pha sền sệt chứ không loãng như bánh xèo, dùng hết trong ngày để tránh bị chua.
Chiếc cóng đổ bánh thường làm bằng nhôm, nhưng có nơi bằng inox, có nơi bằng tre, làm sao cho chiếc bánh cỡ nắm tay người lớn.
Chọn tôm tươi là một khâu quan trọng. Con tôm phải còn nguyên đầu và đuôi, thân tròn lẳn, lóng lánh. Tôm ươn thì chiếc bánh coi như bỏ. Khi bánh chín, vỏ tôm giòn rụm, cắn ngập răng thấy thật thơm, thật ngọt mới đạt.
bánh cóng miền Tây 1
Khi đổ bánh phải lắc khuôn sao cho lượng nhân và bột cân đối rồi đặt con tôm lên trên cùng. Đợi dầu sôi già, nhúng vào ngập khuôn, canh vài phút cho bánh chín vàng là vớt ra, tránh để lâu bánh bị ngấm dầu.
Trước khi chiên phải chuẩn bị rau, gồm xà lách, diếp cá, húng quế, cải bẹ, đọt xoài… Và không thể thiếu nước chấm. Pha nước mắm theo tỉ lệ thích hợp với đường hoặc nước dừa, khi ăn thì cho thêm cà rốt và củ cải thái sợi.
Cách thưởng thức cũng nhiều điều thú vị. Có người cắt bánh ra làm tư, cho vào chén với ít rau sống, rưới nước mắm lên. Có người lấy cải bẹ xanh làm lớp vỏ ngoài, cuốn với bánh và các loại rau khác rồi đẫm vào nước mắm.  Người khác thì dùng tay bẻ bánh ăn để thưởng thức hương vị nguyên thủy, hoặc trộn chung với bún trong tô lớn như chả giò.
Dẫu có là cách ăn nào thì cắn một miếng bánh cóng giòn rụm, nóng hổi vẫn cứ ngon tuyệt. Vị ngon ngọt của tôm tươi; vị bùi béo của bột gạo, đậu xanh, khoai môn; vị nhân nhẫn của cải, chát của đọt xoài, chua ngọt của nước mắm cứ du dương hài hòa vào nhau. Tôi yêu bánh cóng!

Thơm ngon bánh bèo miền Trung

Bánh bèo vốn là món ăn vặt rất được yêu thích ở ẩm thực miền Trung. Những chén bánh bèo được đúc dày từ bột gạo nguyên chất, hấp cách thủy nóng hổi, sau đó đổ nhân được làm bằng thịt ba rọi với tôm đất tươi bằm nhuyễn lên trên chén bánh, thêm chút đậu phộng giã nát, rắc thêm hành lá bằm, ăn kèm với nước mắm cay chua ngọt rất đậm đà và thơm ngon.
                       Bánh bèo nóng hổi được múc ra chén để ăn
Ăn bánh bèo miền Trung không thể thiếu dầu phộng được khử bằng củ nén rất thơm. Thoa dầu phộng lên từng chiếc bánh trước khi cho thêm nhân bánh vào. Mùi thơm đặc trưng đó chỉ có ở ẩm thực miền Trung, luôn tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt cho món ăn. Kiểu như ăn mì Quảng cũng phải có dầu phộng thì mới có mùi vị đúng với món ăn này. Ngày xưa ăn bánh bèo chén người ta không dùng muỗng inox mà là loại muỗng bằng tre như muốn nhắc đến một món ăn đơn giản, “mộc” như chính con người miền Trung. Bây giờ không còn dùng loại muỗng ấy nữa nhưng mỗi khi ăn, tôi vẫn hình dung về một món ăn đúng kiểu dân dã từ cách thức chế biến cho đến cách thưởng thức. Mỗi lần về quê, thỉnh thoảng vẫn nhờ mẹ làm món bánh bèo này. Vì chỉ có những bà mẹ quê mới làm món bánh bèo “đúng chất” của nó, chứ ra hàng quán nhiều khi không tìm được đúng cái hương vị quê nhà ấy.